Tại buổi làm việc, hai bên tập trung thảo luận các định hướng hợp tác nhằm nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và hỗ trợ khởi nghiệp cho giảng viên, sinh viên Trường Đại học Hoa Lư, cũng như các hoạt động tư vấn, đào tạo phát triển cộng đồng, đồng thời kết nối nguồn lực tri thức giữa các cơ sở giáo dục đại học.
PGS.TS. Đỗ Hương Lan – Viện trưởng Viện Chính sách và Quản lý khẳng định, Viện sẽ đồng hành chặt chẽ với Trường Đại học Hoa Lư trong công tác tư vấn, thiết kế chương trình, chia sẻ mô hình học liệu, kết nối chuyên gia và hỗ trợ kỹ thuật cho các hoạt động đổi mới sáng tạo. Viện tin tưởng rằng, với đội ngũ giảng viên trẻ đầy nhiệt huyết và sự quan tâm của lãnh đạo Nhà trường, Đại học Hoa Lư có tiềm năng phát triển mạnh mẽ thành trung tâm học thuật – sáng tạo – khởi nghiệp năng động của tỉnh và vùng lân cận.

Theo TS. Vũ Văn Trường - Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Lư, nhà trường có lợi thế đặc biệt khi đặt tại vùng đất giàu truyền thống hiếu học, bản sắc văn hóa và tài nguyên du lịch phong phú. Trong bối cảnh mới hiện nay, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp là những động lực quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhà trường mong muốn đẩy mạnh hợp tác với Viện Chính sách và Quản lý, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng như các chủ thể khác của hệ sinh thái để cùng triển khai các sáng kiến thực chất, mang lại giá trị cho sinh viên, giảng viên và cộng đồng.
Tại buổi làm việc, hai bên đã nhất trí phối hợp triển khai nhiều hoạt động cụ thể, như:
- Tổ chức Hackathon sinh viên về Du lịch xanh gắn với chuyển đổi sinh thái - xã hội, kết nối sinh viên Trường Đại học KHXH&NV và Trường Đại học Hoa Lư nhằm phát hiện và ươm mầm các ý tưởng sáng tạo phục vụ phát triển bền vững địa phương.
- Thực hiện các nghiên cứu chung liên ngành trong các lĩnh vực: du lịch gắn với phát triển bền vững, chuyển đổi sinh thái – xã hội, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển cộng đồng…
- Tổ chức các khóa tập huấn nâng cao năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo cho giảng viên, sinh viên, phù hợp với yêu cầu đổi mới chương trình đào tạo và xu thế khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiện nay.
- Hỗ trợ xây dựng mô hình vườn ươm khởi nghiệp của Trường Đại học Hoa Lư, dựa trên lợi thế về văn hóa – du lịch – các sản phẩm bản địa đặc trưng của tỉnh Ninh Bình.
- Các hoạt động hỗ trợ và phát triển cộng đồng, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Buổi làm việc đã mở ra triển vọng hợp tác đa dạng và bền vững giữa hai đơn vị, góp phần lan tỏa tinh thần nghiên cứu, sáng tạo và phục vụ cộng đồng trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
Viện Chính sách và Quản lý (The Institute of Policy and Management - IPAM) được thành lập theo Quyết định 876 QĐ/XHNV-TC ban hành ngày 16 tháng 4 năm 2013 của Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN). Viện được nâng cấp trên cơ sở những thành tựu phát triển của Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích Chính sách (CEPSTA) – một trong những trung tâm được xếp hạng thuộc phân nhóm trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ đào tạo hoạt động hiệu quả với bề dày nghiên cứu và đào tạo về chính sách ở Việt Nam từ năm 1991.
Sứ mệnh của Viện là đào tạo, phát triển và cung cấp nguồn nhân lực quản lý và chuyên gia về nghiên cứu và phân tích chính sách, quản lý phát triển ngành khoa học chính sách và quản lý. Từ năm 2018 đến nay, Viện được công nhận là Trung tâm Nghiên cứu trọng điểm cấp ĐHQGHN.
Website: http://ipam.edu.vn/
Email: [email protected]
Tin bài liên quan:
NoCode – Công nghệ cho xã hội số và nhân văn số bền vững đã được lan tỏa tại USSH
Thách thức trong chuyển đổi nghề với lao động khu vực công sau tinh giản biên chế
Nghiên cứu mới của IPAM về khung chỉ báo cho cộng đồng bền vững hướng tới chuyển đổi sinh thái - xã hội
Viện Chính sách và Quản lý (IPAM) tiếp tục được công nhận là Trung tâm Nghiên cứu trọng điểm cấp ĐHQGHN