Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHNhttps://ussh.io.vn/uploads/ussh/logo.png
Thứ ba - 08/07/2025 02:25
Đây là nội dung được thảo luận tại hội thảo quốc gia do Hội Xã hội học Việt Nam, Liên Hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQGHN phối hợp tổ chức sáng nay ngày 08/7/2025.
Sự kiện thu hút sự tham dự của hơn 100 nhà khoa học, chuyên gia, giảng viên, sinh viên đến từ các hiệp hội, viện nghiên cứu, các trường đại học trong cả nước và những người quan tâm.
Hội thảo là dịp để các nhà khoa học kiểm kê và đánh giá sự phát triển ngành Xã hội học tại Việt Nam về học thuật và những đóng góp đối với xã hội, từ đó nêu ra tầm nhìn mới cho tương lai. Đó là sự đóng góp về học thuật, chính sách, chia sẻ tri thức, đào tạo nhân lực và tác động xã hội; về công tác nghiên cứu lịch sử xã hội học ở Việt Nam - một lĩnh vực còn đang nghèo nàn, ít đồng nghiệp quan tâm, ít nhận được tài trợ.
Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trong ở cột mốc 50 năm thống nhất đất nước (1975-2025) và 40 năm chính sách Đổi mới (1986-2026) - thời điểm đầy cảm hứng để giới xã hội học nước nhà nhìn lại chặng đường đã qua.
Dù chỉ triển khai trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng mục tiêu của Hội thảo đã gây hào hứng lớn đến nhiều nhà khoa học. Hội thảo đã nhận được 35 tham luận toàn văn xoay quanh 08 chủ đề lớn: những vấn đề chung của xã hội học trong giai đoạn phát triển mới; tác động đến xã hội và chính sách; cơ cấu xã hội & văn hoá; nghiên cứu dân số; xã hội học đô thị & nông thôn; gia đình và giới; đào tạo xã hội học; lịch sử xã hội học đương đại Việt Nam.
PGS.TS Đặng Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN phát biểu tại hội thảo
GS.TS.Nguyễn Hữu Minh - Chủ tịch Hội Xã hội học Việt Nam
Ông Nguyễn Quyết Chiến - Tổng Thư ký Liên Hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
PGS.TS Đào Thanh Trường - Phó Giám đốc ĐHQGHN, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn phát biểu tại hội thảo
Tại hội thảo, các nhà khoa học đã thảo luận các vấn đề đang được quan tâm hiện nay, như: tăng cường mạng lưới xã hội học trong bước chuyển thế hệ, những hàm ý chính sách cho sự phát triển của Hội Xã hội học Việt Nam (nhóm tác giả Đặng Kim Khánh Ly, Nguyễn Nữ Nguyệt Anh & Vũ Thùy Dung); Xã hội học Việt Nam: Ở đâu và đi về đâu trong kỷ nguyên mới? (nhóm tác giả Đặng Thị Ánh Tuyết, Trần Văn Huấn & Nguyễn Hữu Hoàng); Khoa Xã hội học và Công tác xã hội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN là một trong những địa chỉ đào tạo Xã hội học hàng đầu ghi dấu ấn trên bản đồ khoa học thế giới (Hoàng Bá Thịnh, Nguyễn Thị Kim Hoa & Đặng Kim Khánh Ly).
Các vấn đề về học thuật & tác động xã hội và chính sách cũng được thảo luận tại hội thảo với các tham luận: Nghiên cứu và đào tạo chuyên ngành xã hội học đô thị trong thời kỳ Đổi mới (tác giả Trịnh Duy Luân); Nghiên cứu xã hội học thực nghiệm về nông thôn Việt Nam: Nhìn lại chặng đường 40 năm tại Viện Xã hội học và định hướng mới (tác giả Nguyễn Đức Chiện), Vai trò của xã hội học pháp luật trong hoạt động xây dựng pháp luật ở Việt Nam (tác giả Phan Thị Luyện). Phiên thảo luận các vấn đề về đào tạo xã hội học & lịch sử xã hội học thu hút sự quan tâm của các học giả với các tham luận: Thực tập xã hội học: Nâng cao uy tín và phổ biến tri thức ngành (nhóm tác giả Hà Trọng Nghĩa, Lâm Thị Ánh Quyên, Nguyễn Thị Thu Trang & Bùi Thị Minh Hà); Vai trò của xã hội học trong đổi mới và phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam (tác giả Chung Á).
Những hoạt động của giới xã hội học trong thời điểm này có ý nghĩa lớn trong bối cảnh đất nước đang bước vào giai đoạn lịch sử mới, môi trường thế giới đang diễn ra những biến động rất phức tạp.
GS.TS Bùi Thế Cường - Hội Xã hội học Việt Nam phát biểu đề dẫn hội thảo với chủ đề “Xã hội học đương đại Việt Nam đồng hành cùng đất nước”
TS. Đặng Kim Khánh Ly - Trưởng khoa Xã hội học và Công tác xã hội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đồng chủ trì phiên thảo luận 1
Năm 1986, công cuộc Đổi mới toàn diện đất nước được khởi xướng tại Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam, đánh dấu một bước ngoặt lịch sử quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trải qua gần 40 năm Đổi mới, Việt Nam đã có những chuyển biến sâu sắc và toàn diện trên nhiều lĩnh vực – từ kinh tế, văn hóa, giáo dục đến quản trị xã hội và đời sống người dân. Trong bối cảnh đó, ngành Xã hội học với tư cách là một khoa học nghiên cứu về đời sống xã hội, về các quá trình và thiết chế xã hội, đã có những đóng góp không nhỏ trong việc nhận diện, lý giải và phản biện các hiện tượng xã hội mới, từ đó góp phần vào việc hoạch định chính sách, phát triển con người và xây dựng xã hội bền vững.
Các nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu, các trường đại học trong cả nước trình bày tham luận tại hội thảo
Nghiên cứu và đào tạo Xã hội học là một trong những lĩnh vực thế mạnh của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN. Khoa Xã hội học của nhà trường được thành lập năm 1976 (tiền thân là Bộ môn Xã hội học, thuộc Khoa Triết học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội). Đây là bước khởi đầu quan trọng, mở ra cơ hội nghiên cứu và giảng dạy về các vấn đề Xã hội học tại Việt Nam.
Đến năm 1991, Khoa Xã hội học chính thức được thành lập theo Quyết định số 2494/TCCB của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngay sau thời điểm đó, Khoa đã được giao nhiệm vụ đào tạo các bậc cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ ngành Xã hội học, đóng góp vào việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Xã hội học ở Việt Nam.
Khoa Xã hội học và Công tác xã hội đã trở thành địa chỉ tin cậy hàng đầu trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả hai ngành Xã hội học và Công tác xã hội tại Việt Nam. Do vậy, từ năm 2025, Khoa Xã hội học chính thức đổi tên thành Khoa Xã hội học và Công tác xã hội. Việc bổ sung chuyên ngành Công tác Xã hội vào tên gọi của Khoa là sự khẳng định hướng đi chiến lược của Khoa, đặc biệt trong bối cảnh ngành Công tác xã hội đang có sự phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, đồng thời khẳng định thế mạnh của Khoa trong đào tạo cả hai ngành Xã hội học và Công tác xã hội.
Tháng 03/2025 vừa qua, lần đầu tiên lĩnh vực Xã hội học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn xếp hạng 301-375 thế giới trong bảng xếp hạng của tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS), khẳng định vị thế hàng đầu Việt Nam trong nghiên cứu và đào tạo ngành Xã hội học.
Tin bài liên quan: Lĩnh vực Xã hội học của Trường ĐH KHXH&NV: Hành trình ghi dấu ấn trên bản đồ khoa học thế giới Khai mạc Đánh giá Chương trình AUN-QA lần thứ 358: VNU-USSH kiểm định chất lượng 03 CTĐT theo chuẩn quốc tế