Tin tức

Địa đạo - Mặt trời trong bóng tối: kết nối thế hệ trẻ với lịch sử hào hùng của dân tộc

Thứ tư - 23/04/2025 07:36
Ngày 23/04/2025, Bộ môn Nghệ thuật học – Khoa Văn học, CLB Điện ảnh cùng Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (VNU-USSH) đã tổ chức buổi tọa đàm “Phim Địa đạo và sự tái hiện ký ức chiến tranh trong điện ảnh đương đại”; thiết thực kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tại sự kiện, 600 học sinh trường THPT Chuyên và sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cùng nhiều khán giả ngoài Trường đã có cuộc gặp gỡ, giao lưu ý nghĩa với Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, người đạo diễn giàu sức sáng tạo, tên tuổi gắn liền với nhiều tác phẩm điện ảnh nổi tiếng mà mới đây nhất là bộ phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối. Buổi toạ đàm và giao lưu còn có sự tham gia của các thầy cựu chiến binh – những nhân chứng sống bước ra từ cuộc kháng chiến chống Mỹ; các thầy cô đến từ Khoa Văn học, Khoa Lịch sử, trường THPT Chuyên của Trường ĐHKHXH&NV và các thầy cô của Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội. Đặc biệt, tọa đàm còn được đón tiếp GS.TS. Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV cùng các lãnh đạo đến từ Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Giáo dục và Đào tạo.
DSC00046
 
DSC00045

Phát biểu khai mạc sự kiện, Bí thư Đoàn Thanh niên – Hội sinh viên Trường – TS. Dương Tất Thành - nhấn mạnh rằng toạ đàm là một sự kiện vô cùng ý nghĩa, nhằm kết nối thế hệ trẻ của trường ĐHKHXH&NV với các thể hệ cha ông, những người đã không tiếc máu xương của mình cho một tương lai của Việt Nam hoà bình, thống nhất.
DSC00001
 
DSC09979
Thước phim ngắn giới thiệu những tác phẩm xuất sắc của Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và trailer phim “Địa đạo - mặt trời trong bóng tối” đã đem đến cho khán giả hình dung khá đầy đủ về một trong những đạo diễn giàu sức sáng tạo nhất của nền điện ảnh Việt Nam
 
Với lối dẫn dắt tự nhiên, hấp dẫn và giàu hàm lượng tri thức, PGS.TS Hoàng Cẩm Giang, Trưởng Bộ môn Nghệ thuật học, đã gợi mở để Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên có cơ hội trải lòng về những câu chuyện xúc động xung quanh hành trình đi tìm “Mặt trời trong bóng tối”;  để các diễn giả GVC. Trần Hinh và PGS.TS Phạm Gia Lâm chia sẻ những nhìn nhận, đánh giá thấu đáo về bộ phim.

“Củ Chi lựa chọn mình, đề tài đó lựa chọn mình. Mình may mắn được lựa chọn, thành ra mình phải cố gắng hết sức để làm..."

Đó là tâm sự rất chân thành của Đạo diễn khi được hỏi: Tại sao lại lựa chọn Địa đạo Củ Chi là đề tài cho tác phẩm mới nhất của mình? Anh bộc bạch: “Cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam và cuộc sống thời hậu chiến có nhiều điều kì diệu mà những người làm nghệ thuật như chúng tôi chỉ mong có thể tái hiện một phần. Ngay từ những ngày đầu biết tới câu chuyện về vùng đất thép Củ Chi, tôi đã bị hấp dẫn mãnh liệt. Tôi đã ấp ủ đề tài này từ năm 2014, năm 2016 viết xong kịch bản, bắt đầu đi tìm cách để thực hiện. Đó là một quá trình vô cùng gian truân, thậm chị có khủng hoảng, trầm cảm, nhưng tôi luôn bị ám ảnh bởi một suy nghĩ, hình như Địa đạo Củ Chi đã chọn mình và mình phải làm bằng được. Và tôi đã làm bằng tất cả tình yêu, sự khâm phục với những con người vô danh nhưng vĩ đại sống, chiến đấu trong lòng đất tối tăm ngột ngạt nhưng chói sáng tinh thần dũng cảm, ngoan cường. Hành trình hoàn thành bộ phim cũng là hành trình tôi tự chữa lành cho chính mình”.
DSC00028

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên kể: nhiều tên nhân vật trong phim như Bảy Theo, Tư Đạp, Lục Tạc, Ba Hiếu... đều được anhlấy cảm hứng hoặc cũng là tên thật của những người du kích đã hy sinh. Anh nói: “Bộ phim như là một cách để người Việt Nam hôm nay luôn tưởng nhớ về họ - những con người anh hùng của một dân tộc anh hùng”.
Với nhà nghiên cứu Trần Hinh, "Địa đạo - mặt trời trong bóng tối" đã lại mang một lát cắt mới, bằng việc tái hiện một trong những cuộc chiến cam go nhất của dân tộc, dưới lòng địa đạo, với sự lột tả chân thực tới ám ảnh. Ông nhấn mạnh: “Có thể thấy đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã đi một con đường riêng khi làm phim về chiến tranh. Anh không chọn làm một phim mang âm hưởng anh hùng ca dạt dào, với nhân vật chính hội tụ mọi yếu tố cao đẹp để khán giả phải khóc giàn giụa khi họ ra đi. Anh chọn làm phim mang phong cách tài liệu - lát cắt cuộc sống, với lối mô tả tỉ mỉ, kỹ lưỡng về đời sống và chiến đấu của đội du kích dưới lòng địa đạo Củ Chi, và trên hết là với tình yêu, niềm tự hào về dân tộc Việt Nam. "Địa đạo là chiến tranh nhân dân" là thông điệp quan trọng mà đạo diễn Bùi Thạc Chuyên lồng ghép thông qua sự ra đi đầy kiêu hãnh của một nhân vật khá quan trọng trong mắt xích câu chuyện”.

Dù đã xem phim nhưng khi xem lại trích đoạn của bộ phim ngay tại không gian ấm cúng hội trường Trường ĐHKHXH&NV, PGS.TS Phạm Gia Lâm – một cựu chiến binh, một chuyên gia về văn học và điện ảnh chiến tranh - vẫn không khỏi xúc động: “Có bom rơi, đạn nổ, có hi sinh, chết chóc nhưng nhưng bộ phim không hề đem đến cảm xúc bi lụy mà là bản tráng ca về tình đồng đội, tình yêu và khát khao sống của những người lính, nhưng trên hết vẫn là tinh thần hi sinh vì Tổ Quốc. Nó có tác dụng thanh lọc tâm hồn, chạm đến trái tim khán giả. Xem phim chúng ta không khỏi cảm thương, khâm phục những con người rất bình dị, những anh hùng và cũng cảm nhận được rằng  hoà bình, tự do, độc lập ngày hôm nay chúng ta được hưởng đã được đánh đổi bằng xương máu, hi sinh của nhiều thế hệ”.
Ông chia sẻ thêm: Bùi Thạc Chuyên đã chọn làm phim theo phong cách hậu điện ảnh với cốt truyện không có cao trào, không có nhân vật chính, có sự kết hợp của nhiều thể loại… Phim vì vậy có thể khó theo dõi với một số khán giả vốn quen với phong cách phim Hollywood truyền thống, nhưng lại là một sự sáng tạo đáng trân trọng. Cách tạo hình nhân vật rất tinh tế, các góc máy rất thông minh, nhất là trong những tình huống sinh tử, tạo ra xúc cảm nghệ thuật rất mạnh mẽ, làm cho người xem chìm đắm vào trải nghiệm điện ảnh chân thực, ám ảnh, vừa bi tráng, vừa hào hùng”. Các nhân vật được xây dựng với những cảm xúc chân thật, tự nhiên và đời nhất, nhưng vẫn lột tả được chủ đề, thông điệp của cả bộ phim.
 

“Địa đạo - mặt trời trong bóng tối” truyền cảm hứng, kết nối thế hệ trẻ với lịch sử hào hùng của dân tộc

Đó là mong mỏi thôi thúc Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên hoàn thành bộ phim với tất cả tình yêu và niềm đam mê, đồng thời cũng là cảm xúc của các bạn trẻ chia sẻ tại Toạ đàm.
Phương Anh – sinh viên khoá đầu tiên ngành Điện ảnh & Nghệ thuật đại chúng, chia sẻ rằng trải nghiệm xem phim tại rạp, sau đó được nghe các thầy cô phân tích phim, và đặc biệt hôm nay được lắng nghe lời bộc bạch của đạo diễn, em thực sự thấy Địa đạo đã “chạm” vào những cung bậc cảm xúc mạnh mẽ của riêng mình, cho em cảm nhận trọn vẹn sức mạnh và vẻ đẹp của điện ảnh về chiến tranh.
TTU00275

Cảm nhận bộ phim theo một cách rất riêng, Hải Anh – sinh viên khiếm thị của Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông chia sẻ: Bộ phim đã đem lại cho em xúc cảm sâu sắc về một khu di tích lịch sử và cuộc chiến đấu hào hùng của dân tộc. Em hi vọng rằng đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cũng như nhiều đạo diễn phim Việt Nam cũng có thể có hình thức truyền tải nào đó để một người khuyết tật như em và 7 triệu người khuyết tật khác có thể cảm nhận trọn vẹn hơn những tác phẩm điện ảnh Việt Nam”.
TTU00300

Phương Chi, một sinh viên khiếm thị khác đên từ Khoa Văn học, chia sẻ rằng em rất thích xem những bộ phim về đề tài lịch sử, như “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Con chim vành khuyên”, “Bao giờ cho đến tháng 10”,… Đến “Địa đạo”, bộ phim đã mang lại cho em một cảm giác rất khác, nhẹ nhàng, bình dị mà thấm thía, sống động. Xem phim, khán giả có cảm giác có những lúc trái tim thắt lại, đến mức ngạt thở khi chứng kiến những cảnh cưa bom, hay không khí ngột ngạt trong hầm địa đạo chật hẹp, ngập nước và sẵn sàng sập xuống bất cứ lúc nào.  Lòng đất chật chội và tối tăm của địa đạo đã trở thành chiến trường khốc liệt nhưng ở đó vẫn luôn bừng sáng ngọn lửa kiên trung từ những trái tim yêu nước. Em đã xem bộ phim đến 3 lần và lần nào em cũng khóc”.
TTU00341
 
TTU00352

Sự có mặt đông đảo của các em học sinh, sinh viên, hội trường với hơn 600 chỗ ngồi của Trường ĐHKHXH&NV không còn một chỗ trống, với những lời chia sẻ, cảm nhận về bộ phim đã đem đến cho đạo diễn Bùi Thạc Chuyên sự xúc động sâu sắc. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chia sẻ: “Tôi thực sự không tưởng tượng được bộ phim lại được các bạn trẻ tiếp nhận tốt như thế. Và phải nói là mình rất xúc động. Lắng nghe chia sẻ của các bạn khiến tôi hết sức ngạc nhiên, vì các bạn ấy hiểu, thực sự rất hiểu về lịch sử và một xúc cảm nghệ thuật rất sâu sắc. Tôi tin rằng với sự ủng hộ này sẽ là niềm động viên rất lớn cho cá nhân tôi và các nhà làm phim tiếp tục tìm kiếm những đề tài hay, cách thể hiện mới, đưa nền điện ảnh Việt Nam ngày càng phát triển”.
DSC00031
 
DSC00033
 
DSC00022
 
DSC00011
 
DSC00061

Thành công của buổi toạ đàm không chỉ đơn thuần là giới thiệu một bộ phim về đề tài chiến tranh, mà còn tạo nên một cầu nối cảm xúc mạnh mẽ, liên kết ký ức chiến đấu gian khổ mà hào hùng của thế hệ cha ông với trái tim cũng như nhận thức sâu sắc về giá trị hòa bình của thế hệ trẻ hôm nay, thôi thúc một khát khao sáng tạo và cống hiến.
Sự kiện là một trong nhiều hoạt động ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975. Đây cũng là một trong những hoạt động được trường ĐHKHXH&NV, Khoa Văn học, Bộ môn Nghệ thuật học hết sức quan tâm, tổ chức thường xuyên nhằm tạo ra diễn đàn học thuật để các bạn học sinh sinh viên có thể gặp gỡ các chuyên gia với những phân tích sâu sắc về nền điện ảnh, nghệ thuật đương đại; lắng nghe chia sẻ trực tiếp từ những nhà sản xuất để có hình dung rõ ràng hơn về ngành nghề mà mình theo đuổi trong tương lai.
DSC00055 copy
 
TTU00393 copy


>>>>>>> Báo chí đưa tin:

Báo Nhân dân: Phim "Địa đạo" và sự tái hiện ký ức chiến tranh trong điện ảnh đương đại

>>>>>> Tin liên quan:

“Lịch sử điện ảnh châu Âu” – cuốn giáo trình quý cho giảng viên, sinh viên, học viên, nhà nghiên cứu
Điện ảnh – cách đưa các tác phẩm văn học trong Nhà trường đến gần hơn với học sinh, sinh viên và công chúng trẻ
Sinh viên VNU-USSH cơ hội tìm hiểu về những tác phẩm kinh điển của nền Điện ảnh Việt Nam
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức thành công buổi chiếu phim về môi trường
Chiếu phim và tọa đàm "Điện ảnh về chiến tranh: Khi lúa chín trên cánh đồng giông bão"
 





 

Tác giả: Khoa Văn học. Ảnh Hạnh Quỳnh - Ngọc Tú

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
[LANG_MOBILE]
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây