Tin tức

Trưng bày "Bác Hồ với giáo dục, giáo dục với Bác Hồ" tại trường ĐHKHXH&NV

Thứ bảy - 10/05/2025 21:08
Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung Ương; Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức trưng bày hình ảnh, tư liệu với chủ đề "Bác Hồ với giáo dục, giáo dục với Bác Hồ".
Trưng bày Bác Hồ với giáo dục copy
Trên hành trình giải phóng dân tộc, kiến lập và phát triển quốc gia, Chủ tịch Hồ  Chí Minh luôn đặt giáo dục vào vị trí trụ cột quan trọng. Ngay sau ngày đất nước độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi “diệt giặc dốt” là nhiệm vụ chiến lược song hành với “diệt giặc đói” và “diệt giặc ngoại xâm”, đồng thời khẳng định chỉ có “trồng người” mới bồi đắp nguyên khí quốc gia. Tư tưởng ấy được thể hiện qua: Những bức thư mà Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho ngành giáo dục; Sắc lệnh về Bình dân học vụ (8/9/1945) mở đầu chiến dịch xoá mù chữ lớn nhất lịch sử; hai lần cải cách giáo dục (1950, 1956) kiến tạo nền giáo dục theo triết lý: dân tộc – khoa học – đại chúng; phong trào “Dạy tốt – Học tốt” (1961) nêu cao chất lượng dạy và học ngay trong khói lửa chiến tranh. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, triết lý “học đi đôi với hành, học tập suốt đời” cùng lý tưởng “vừa hồng, vừa chuyên” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là kim chỉ nam cho mọi chương trình đổi mới giáo dục, soi rọi mục tiêu xây dựng xã hội học tập, kinh tế tri thức và hội nhập bền vững của Việt Nam hôm nay.
Nhằm tôn vinh và lan toả những giá trị trường tồn ấy, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung Ương; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp tổ chức trưng bày chuyên đề “BÁC HỒ VỚI GIÁO DỤC - GIÁO DỤC VỚI BÁC HỒ”.

Thời gian: Từ ngày 09/5 đến 12/5/2025
Địa điểm: Sảnh E1, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, 336 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội
Đơn vị thực hiện: Bảo tàng Lịch sử và Văn hoá

Không gian triển lãm được xây dựng như một hành trình, giúp người xem giải đáp những câu hỏi căn cốt: Tư tưởng của Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền tảng như thế nào cho hệ thống giáo dục Việt Nam hiện đại? Tại sao giáo dục được Chủ tịch Hồ  Chí  Minh xem là “nền tảng của độc lập và hạnh phúc”? Và quan điểm “học tập suốt đời” có ý nghĩa như thế nào trong thời đại hiện nay?
Thông qua những hình ảnh, tư liệu, Trưng bày kỳ vọng mang tới cho công chúng những lát cắt lịch sử phong phú, đồng thời là nguồn cảm hứng thúc đẩy cùng nhau hành động tiếp nối công cuộc “trồng người”, nuôi dưỡng khát vọng xây dựng một nền giáo dục khai phóng, dân tộc, nhân văn và sáng tạo – nền tảng để Việt Nam “sánh vai với các cường quốc năm châu” như di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Tác giả: Bảo tàng Lịch sử và Văn hoá

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
[LANG_MOBILE]
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây