Viện Chính sách và Quản lý đã có cuộc trò chuyện với ông Bạch Ngọc Chiến để cùng lan tỏa tinh thần chủ động của người lao động đứng trước những thay đổi lớn về nghề nghiệp tương lai.
Phóng viên: Xin Ông vui lòng cho biết, khi chuyển đổi nghề nghiệp từ khu vực công sang tư, người lao động khu vực công sẽ phải chuẩn bị những hành trang, kỹ năng nào?
Ông Bạch Ngọc Chiến: Hành trang đầu tiên mà người lao động cần có khi bước vào quá trình chuyển đổi nghề nghiệp là sự tự tin – tự tin vào kiến thức, kỹ năng và những kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình làm việc tại khu vực công. Bởi lẽ, phần lớn cán bộ, công chức đều đã trải qua quá trình tuyển dụng nghiêm ngặt, được đào tạo bài bản và thường xuyên. Những năng lực đó hoàn toàn có thể trở thành nền tảng vững chắc để đóng góp hiệu quả trong môi trường làm việc mới.
Hành trang thứ hai chính là thái độ sẵn sàng thích ứng với thay đổi. Trong các đợt sáp nhập hành chính trước đây, như việc sáp nhập tỉnh Hà Tây vào Hà Nội, nhiều lao động khu vực công từng rơi vào trạng thái hoang mang, thậm chí mặc cảm khi cho rằng mình bị "loại bỏ". Thái độ tự ti và tâm lý kỳ thị trong nội tại có thể trở thành rào cản lớn nhất. Do đó, việc chủ động chuẩn bị tâm lý và nhìn nhận chuyển đổi nghề nghiệp như một điều bình thường, thậm chí là cơ hội phát triển mới, là vô cùng cần thiết.
Hành trang thứ ba là việc trang bị thêm kiến thức và kỹ năng phù hợp với yêu cầu của khu vực tư nhân – nếu lựa chọn chuyển dịch sang môi trường này. Người lao động cần chủ động học tập, tham gia các khóa đào tạo hoặc bồi dưỡng kỹ năng để nâng cao giá trị bản thân. Khi kết hợp những thế mạnh sẵn có từ khu vực công với các tiêu chuẩn, kỳ vọng của khu vực tư, người lao động có thể tự tin hơn, thích nghi tốt hơn và sẵn sàng đón nhận cơ hội nghề nghiệp mới một cách cầu thị và hiệu quả. Đây cũng là một trong những lợi thế khác biệt của nguồn nhân lực khu vực công sau các đợt tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy hành chính."
Hội thảo khoa học và thực tiễn với chủ đề “Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động khu vực công sau tinh giản biên chế” do Viện Chính sách và Quản lý, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN tổ chức tháng 3/2025 vừa qua
Phóng viên: Sau giai đoạn tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế, người lao động có thể chuyển đổi từ công sang tư, từ khu vực công sang khởi nghiệp. Theo quan điểm của Ông, sự khác biệt trong những lựa chọn chuyển đổi này là gì?
Ông Bạch Ngọc Chiến: Đây là các lựa chọn cực kỳ khác nhau, nhưng tựu chung là không thể chuyển đổi thành công khi bạn còn do dự. Khi đi làm ở khu vực nào thì đều cần chú trọng đến kỷ luật, quy trình, quy phạm, thái độ mẫn cán với công việc. Hay như người ta vẫn nói là “trình độ không bằng thái độ”.
Nếu người lao động muốn khởi nghiệp thì cần quan tâm đến vốn và nguồn lực. Trước hết, cần phải có được ý tưởng kinh doanh hoặc sản phẩm độc đáo và sáng tạo thì mới có cơ hội khởi nghiệp thành công. Nếu đưa sản phẩm, dịch vụ giống người khác thì khó có thể tạo ra sự khác biệt. Nhiều người còn nhầm lẫn về việc lựa chọn đi làm với khởi nghiệp. Ví dụ như việc mở quán cà phê khởi nghiệp khác với việc bán xôi, bán bánh mỳ. Các sản phẩm khởi nghiệp phải có hàm lượng sáng tạo và tiềm năng tạo ra lợi nhuận.
Điểm mấu chốt của doanh nghiệp khởi nghiệp là vốn. Vốn rất quan trọng vì có giai đoạn dài sẽ chi tiêu bằng vốn, hay chúng ta thường nghe câu nói “rắn ăn vào đuôi”. Doanh nghiệp nào cũng có thể sẽ đi vào giai đoạn vay, cần nguồn tài chính để tồn tại. Vì vậy cần xây dựng dự phóng tài chính (financial projections) trong vòng ít nhất là 5 năm với nhiều kịch bản thu và chi để có được giải pháp phù hợp với từng kịch bản. Khi tôi làm đồ án MBA, tôi chỉ tính toán việc lỗ của doanh nghiệp trong năm đầu và năm hai đã có lợi nhuận, luận án ngay lập tức bị giảng viên trả về vì “hoang đường”. Các doanh nghiệp công nghệ có thể lỗ vốn 2-3 năm thậm chí lâu hơn. Có lĩnh vực lỗ đến 7-8 năm ví dụ như đầu tư vào trường học. Có khi đến năm 9-10 hết một vòng chu kỳ, sản phẩm mới chứng minh được giá trị và mới tạo ra được lợi nhuận. Khởi nghiệp cần sáng tạo, độc đáo, không chạy theo xu thế và cần lựa chọn phân khúc thị trường phù hợp.
Người ta hay nói “Buôn tài không bằng dài vốn”, doanh nghiệp khởi nghiệp thường gặp khó khăn khi không có tài sản thế chấp trong giai đoạn đầu khi đi vay vốn. Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp thành công khi bán được sản phẩm sớm, có thể lấy thu bù chi và tạo lợi nhuận. Như chúng ta đã biết Apple là một tập đoàn công nghệ rất thành công và họ cũng có những nguyên tắc tài chính thú vị. Họ kéo dài thời gian trả tiền cho nhà cung ứng càng lâu càng tốt và thu hồi nợ càng nhanh càng tốt. Họ có thể chậm trả đến tận 03 tháng và yêu cầu người mua hàng phải thanh toán trong thời gian ngắn nhất. Từ đó, tranh thủ được vốn của người khác, quay vòng để tập trung vào các hạng mục phát triển doanh nghiệp. Một trong những yếu tố rất quan trọng là nếu khởi nghiệp, cần phải tìm được các cộng sự phù hợp, những người có khả năng phản biện trên tinh thần xây dựng. Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp thành công ban đầu nhưng sau nội bộ thiếu đồng tâm, nhất trí nên nhanh chóng phá sản và bị phân tách. Khi khởi nghiệp không nên đốt cháy giai đoạn, cần quan tâm xây dựng nền tảng pháp lý vững chắc cho doanh nghiệp. Những người cộng sự trong giai đoạn đầu cần phải có sự chia sẻ quyền lợi công bằng.
Còn đối với người lao động muốn chuyển đổi sang khu vực tư nhân, lời khuyên của tôi là cần chú trọng đến hiệu quả công việc, nghiêm túc trong hợp tác và làm việc chăm chỉ. Bản thân doanh nghiệp khi đón nhận người lao động ở khu vực công cũng đã chuẩn bị tâm thế về quá trình đào tạo lại.
Ông Bạch Ngọc Chiến - Tổng Giám đốc Công ty VOVINAM Digital chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề nghiệp cá nhân và hợp lực hệ sinh thái tại Hội thảo khoa học và thực tiễn do Viện Chính sách và Quản lý, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN
Phóng viên: Anh có chia sẻ về việc “chủ động chuẩn bị tâm thế” của việc chuyển đổi nghề nghiệp, vậy trong hành trình tìm kiếm một cánh cửa công việc mới, đã có khi nào Anh cảm thấy “bị động”, có khi nào cảm thấy lo lắng hay chịu áp lực khi tìm đến những điểm đến công việc mới? Và Anh đã vượt qua bằng cách nào?
Ông Bạch Ngọc Chiến: Tôi không nghĩ chủ động hay bị động, khi phải tìm việc thì chúng ta đã là chủ động rồi!
Năm 1997, tôi bắt đầu làm ở Bộ Ngoại giao. Sau 1 tuần, tôi thấy nản do công việc khác với công việc trước đó của tôi - chủ động, linh hoạt, thu nhập và nhiều trải nghiệm. Khi làm tại đây, cả ngày tôi loay hoay dùng máy chữ để “sản xuất” ra một văn bản. Nhưng tôi lại đánh khá chậm, có khi mất cả ngày trong khi người phụ trách chỉ xử lý trong vòng vài phút. Một hôm, tôi chán nản, nửa đường đi làm thì dừng lại, định quay xe trở về nhà và bỏ việc (mặc dù thời gian đó được làm việc tại Bộ Ngoại giao là vô cùng khó.) Sau một hồi “đấu tranh tư tưởng”, tôi tự nhủ: “người ta làm được mình cũng làm được”. Và thế là tôi đi làm tiếp và công việc từ đó cũng tiến bộ. Từ đó tôi là “người thay đổi”. Vào những lúc khó khăn nhất trong cuộc sống, trong công việc, tôi nghĩ rằng chỉ có thể trông chờ vào chính bản thân mình. Phải tự tin, phải tự “lên dây cót” để có động lực tiến lên.
Từ người “mổ cò” khi đánh máy tính, tôi quyết tâm học gõ bằng 10 ngón tay và sau này tôi trở thành người đánh máy nhanh nhất nhì trong cơ quan. Họp xong cũng là lúc tôi đánh máy biên bản xong. Đó là một kỹ năng rất đơn giản khiến tôi định bỏ việc, nhưng khi vượt được qua nó và nâng cao kỹ năng này, tôi đã vươn lên. Một khó khăn khác là bị kỳ thị. Một vài đồng nghiệp cho rằng tôi là “dân tiếng Nga nên tiếng Anh kém”, là dân “ngoại đạo” vì không học ngành ngoại giao. Tôi đã xin học thêm tiếng Anh tại nhà bác Lưu Đoàn Huynh, một chuyên gia nổi tiếng của Bộ Ngoại giao lúc đó. Bác ấy thấy tôi là “dân tiếng Nga” nên xếp vào một lớp học cùng sinh viên, trong đó có một bạn còn đang học THPT. Nhưng chỉ một thời gian sau, bác Huynh và đồng nghiệp nhận ra tiếng Anh của tôi không tệ như họ nghĩ. Thậm chí, tôi còn được tin tưởng và chọn làm phiên dịch cho Người phát ngôn Bộ Ngoại giao tại các cuộc họp báo quốc tế định kỳ vào cuối năm 1998. Cuối năm 1999 tôi thi được học bổng Master về ngoại giao và thương mại của Úc thì lúc đó không ai bảo tôi là người ngoại đạo nữa. Chính sự kỳ thị của một số đồng nghiệp trong giai đoạn đầu lại giúp tôi có thêm động lực phấn đấu. Nhờ động lực cao và tinh thần cầu thị, từ xuất phát điểm thấp khi mới vào ngành, 10 năm sau tôi được bổ nhiệm Phó Vụ trưởng.
Tôi luôn tâm niệm rằng không bao có “việc nhẹ lương cao, việc gì mình có là mình phải phấn đấu để kiếm được, you must earn your reward.
Phóng viên: Trong số người lao động chuyển dịch nghề nghiệp có rất nhiều người ở độ tuổi trung niên. Ông có nghĩ rằng lực lượng lao động này sẽ đối diện với rất nhiều thách thức vô cùng lớn sau giai đoạn tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế?
Ông Bạch Ngọc Chiến: Độ tuổi bình quân của Việt Nam là 79-80 tuổi, nên người trung niên còn 30-40 năm nữa để sống. Vì thế họ phải nhìn vào chiều dài cuộc đời mình, phải tìm cơ hội. Thái độ con người rất quan trọng, không thể nại ra tuổi tác ra để nói là mình không làm được, đó là sự bao biện của người thất bại. Dù ở độ tuổi nào thì cũng cần phấn đấu. Không ai có thể có đủ “lương khô” để sống cả đời, bởi chỉ cần một vài bất trắc nhỏ cũng có thể “đốt sạch” số lương khô tích trữ này. Chỉ có sinh kế bền vững là điều rất quan trọng. Cho dù bắt đầu chuyển đổi nghề nghiệp khi 40-50 tuổi thì người lao động cũng cần phải giữ thái độ nhiệt tình, háo hức như khi còn trẻ. Khi còn trẻ có nhiều động cơ, còn khi 40-50 tuổi còn phải sống khỏe, sống đàng hoàng bằng một sinh kế bền vững và tự lo cho bản thân. Không có gì hay bằng một cuộc đời có lao động, có làm việc. Bản thân tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc về hưu, làm việc để cuộc sống của mình có ý nghĩa. Nhiều người về hưu 60 tuổi thì suy sụp vì không có lao động, đi chơi hoặc tìm thú vui giải trí nhưng rồi lại cảm thấy tẻ nhạt, nhanh chán nản. Thú vị của đi làm là tạo ra giá trị cho cuộc sống và có động lực để phát triển bản thân.
Phóng viên: Ông có nhận định gì về thị trường lao động hiện nay và những tác động đến chuyển đổi nghề nghiệp sau tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế?
Ông Bạch Ngọc Chiến: Có thể thấy, thị trường lao động Việt Nam đang trải qua một giai đoạn biến động mạnh chưa từng có, dưới tác động của cả các yếu tố trong nước và quốc tế. Việc chính quyền Mỹ áp thuế đối ứng cao đối với hàng hóa Việt Nam là một ví dụ điển hình, có thể dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp buộc phải thu hẹp sản xuất, thậm chí đóng cửa hoặc phá sản, kéo theo nguy cơ hàng loạt người lao động mất việc. Đây là một giai đoạn chuyển đổi nghề nghiệp lớn trên quy mô toàn quốc, ảnh hưởng từ lãnh đạo cấp cao đến người lao động ở vị trí thấp nhất. Trong bối cảnh đó, chính sách coi trọng kinh tế tư nhân như một trụ cột của nền kinh tế quốc dân được kỳ vọng sẽ tạo ra những thay đổi tích cực, nổi bật là sự ra đời của nhiều doanh nghiệp mới, từ đó mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động.
Sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ và đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) đang đặt ra những thách thức to lớn đối với thị trường lao động. Tự động hóa có thể dẫn đến tình trạng thất nghiệp hàng loạt, ngay cả với những công việc phổ thông hay chuyên biệt nếu có thể được thay thế bằng máy móc và thuật toán — ví dụ như thu ngân, kế toán, luật sư hay thậm chí bác sĩ. Tại một số cửa hàng của Amazon, mô hình bán hàng tự động đã loại bỏ hoàn toàn vai trò của người thu ngân, cho thấy xu hướng thay thế lao động bằng công nghệ là hoàn toàn khả thi.
Trong bối cảnh đó, một thách thức quan trọng được đặt ra là tương lai việc làm của thanh niên. Tại Việt Nam, mặc dù lực lượng lao động trẻ rất dồi dào, nhưng phần lớn vẫn tập trung vào các công việc có hàm lượng tri thức thấp. Tự động hóa không chỉ tạo ra nguy cơ thất nghiệp, mà còn đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc mỗi cá nhân phải chủ động học tập, cập nhật kiến thức và kỹ năng mới để thích ứng với sự thay đổi. Bên cạnh đó, vẫn tồn tại những suy nghĩ như "Trí tuệ nhân tạo (AI) làm được hết thì con người làm gì?". Trong bối cảnh này, việc chú trọng phát triển nền tảng khoa học cơ bản càng trở nên quan trọng. Trong một bài phát biểu gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc học toán cao cấp và đào tạo các ngành khoa học cơ bản, để người học có thể nắm vững nguyên lý, lý thuyết nền tảng nhằm ứng dụng vào các giải pháp thực tiễn.
Chính phủ cần đầu tư mạnh mẽ hơn cho giáo dục, nhằm giúp người Việt Nam có đủ tri thức và bản lĩnh để ứng phó với các biến động trong tương lai. Thực tế cho thấy, chính trong những thời điểm chuyển đổi hoặc khủng hoảng, việc tự đào tạo và phát triển bản thân là con đường bền vững nhất. Hiện nay, nhiều nền tảng học tập trực tuyến như Coursera đã mở ra cơ hội học tập rộng khắp, nơi rất nhiều người trưởng thành và đổi đời nhờ tinh thần tự học và thích ứng không ngừng.
Phóng viên: Ông có những dự báo gì về quá trình chuyển đổi nghề nghiệp đang diễn ra sau giai đoạn tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế của Việt Nam hiện nay?
Ông Bạch Ngọc Chiến: Chúng ta có lý do để lạc quan trước những chuyển động của thị trường lao động, nhưng đó không nên là sự lạc quan tếu. Đặc biệt, quá trình chuyển đổi nghề nghiệp đối với người lao động trong khu vực công cần được xem xét một cách thận trọng. Theo tôi, con người và xã hội luôn hướng tới sự phát triển tốt đẹp hơn. Để tồn tại, con người cần có sinh kế và để thích ứng, mỗi cá nhân cần có động lực sống và làm việc phù hợp với hoàn cảnh mới.
Việc tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế, nếu đi kèm với chính sách hỗ trợ phù hợp, có thể trở thành cú hích thúc đẩy cá nhân phát triển mạnh mẽ hơn. Điều quan trọng là phải nhận diện được nguy cơ để chủ động đối phó, từ đó xác định những kỹ năng, kiến thức hay kinh nghiệm cần bổ sung nhằm thích ứng với thay đổi của thị trường lao động. Một điểm tích cực khác là thị trường lao động ngày nay không còn giới hạn trong phạm vi quốc gia. Chúng ta đang sống trong một thị trường lao động toàn cầu, nơi sự chênh lệch về trình độ kỹ năng vẫn tồn tại nhưng cũng tạo ra không ít cơ hội. Tôi kỳ vọng rằng người Việt Nam sẽ không chỉ được biết đến qua các ngành dịch vụ mà còn khẳng định vị thế trong nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt là kỹ thuật và công nghệ.
Người Việt có khả năng thích ứng rất tốt. Các chính sách mới của Chính phủ đang góp phần mở ra nhiều cơ hội cho việc học tập suốt đời và khởi nghiệp, giúp người lao động từng bước định hình lại vai trò của mình trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng.
Phóng viên: Anh có gửi gắm những lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ hiện nay về vấn đề lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai gần?
Ông Bạch Ngọc Chiến: Đã là sinh viên đại học thì tính chủ động phải rất cao, thay vì chờ đợi nhà trường thay đổi hay điều chỉnh chương trình thì đầu tiên các sinh viên phải tự có chương trình hành động cho cá nhân mình, tuỳ thuộc điều kiện mỗi người. Không nên dập khuôn, đi theo xu thế mà cần phát huy năng lực và sở trường của mình. Từ phía nhà trường nên tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội và được khích lệ phát huy năng lực. Một xu hướng khá phổ biến là các em đổ xô đi học các ngành được cho là “thu nhập cao”, bỏ các ngành học cơ bản, nhấtlà ngành khoa học xã hội. Một câu chuyện khá thú vị là hầu hết lãnh đạo cao cấp của các tập đoàn lớn trên thế giới lại học các lĩnh vực khoa học xã hội. Vì mọi vấn đề đều liên quan đến con người nên công nghệ cần hướng tới con người, giá trị của con người. Lời khuyên của tôi dành cho sinh viên là không nên chọn nghề theo xu thế mà chọn nghề theo đam mê và sở trường của mình. Đam mê sẽ làm nảy sinh sáng tạo nên thanh niên cần theo đuổi đam mê. Hành trang rất quan trọng của sinh viên là kỷ luật vì chỉ có kỷ luật mới có thể thay đổi chính bản thân mình. Ngoài ra, sinh viên cần quan tâm đến sức khỏe, nâng cao thể chất và bản lĩnh cá nhân để có thể đương đầu với khó khăn khi vào đời.
Thế hệ trẻ - đặc biệt là sinh viên, dù theo đuổi bất kỳ ngành nghề nào, cũng cần được rèn luyện kỹ năng giao tiếp, đặc biệt là kỹ năng nói, như một nền tảng quan trọng để chuẩn bị hành trang xây dựng con người toàn diện. Một thực tế đáng lo ngại là nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học nhưng trình độ ngoại ngữ còn rất hạn chế. Đây là rào cản lớn trong quá trình hội nhập quốc tế và phát triển sự nghiệp. Do đó, cần đẩy mạnh việc học ngoại ngữ trong và ngoài nhà trường, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của tự học và tinh thần chủ động trong học tập, học tập suốt đời.
Ông Bạch Ngọc Chiến là một trong số ít những người từng giữ vị trí lãnh đạo cấp cao trong khu vực công và thành công khi chuyển sang lĩnh vực tư nhân. Hành trình nghề nghiệp của ông là minh chứng sinh động cho khả năng thích ứng, đổi mới tư duy và kiến tạo vai trò mới sau quá trình chuyển đổi nghề nghiệp.
Hiện nay, ông Bạch Ngọc Chiến là Tổng Giám đốc Công ty Vovinam Digital, Phó Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Nam và Liên đoàn Vovinam Thế giới.
Trước đó, ông từng đảm nhiệm các vị trí quan trọng trong khu vực công, bao gồm:
- Chuyên viên Vụ Thông tin Báo chí – Bộ Ngoại giao.
- Tùy viên Báo chí – Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ.
- Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Đối ngoại – Bộ Ngoại giao.
- Trưởng Ban Truyền hình Đối ngoại (VTV4) – Đài Truyền hình Việt Nam.
- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định.
- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.
Từ năm 2020 đến 2023, ông chuyển sang lĩnh vực giáo dục tư nhân với vai trò Phó Chủ tịch Tập đoàn Giáo dục EQuest, phụ trách hoạch định chiến lược và truyền thông.
Tin bài liên quan:
Giải pháp nào để hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động khu vực công sau tinh giản biên chế?
Ra mắt hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo xã hội cho sinh viên VNU-USSH
NoCode - Công nghệ cho xã hội số và nhân văn số bền vững đã được lan tỏa tại USSH