Thưa đồng chí Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo!
Thưa các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; Lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn!
Thưa các chuyên gia, nhà khoa học và quí đại biểu!
Hôm nay, trong không khí toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vừa long trọng tổ chức kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đã góp phần khơi dậy khí thế hào hùng của cả dân tộc, tạo tâm thế, động lực, nguồn cảm hứng mới trong xã hội; chúng ta đang trong những ngày kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, hướng tới kỷ niệm 80 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tôi rất vui mừng, phấn khởi cùng các đồng chí tham dự Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề
“Bác Hồ với giáo dục, giáo dục với Bác Hồ”.
Tôi đánh giá cao việc tổ chức Hội thảo, với sự phối hợp chủ động, tích cực, hiệu quả của Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, nhằm thiết thực kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hội thảo là hoạt động sinh hoạt khoa học, thu hút sự tham gia của đông đảo chuyên gia, nhà khoa học có uy tín, với
125 bài tham luận có chất lượng được tập hợp trong kỷ yếu. Hội thảo của chúng ta càng có ý nghĩa hơn khi được tổ chức tại ngôi trường mà trong số những Sắc lệnh đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh ký
(ngày 10/10/1945), ngay sau khi nước Việt Nam mới ra đời, đó là Sắc lệnh số 45 về việc thiết lập một Ban đại học Văn khoa tại Hà Nội - Tiền thân của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội ngày nay.
Thay mặt Lãnh đạo Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, tôi nhiệt liệt chào mừng và trân trọng cảm ơn các đồng chí, các chuyên gia, nhà khoa học, các vị đại biểu đã đến tham dự Hội thảo. Chúc các đồng chí luôn dồi dào sức khỏe, hạnh phúc trong cuộc sống, thành công trong sự nghiệp đào tạo, giảng dạy, nghiên cứu khoa học đầy sức sáng tạo, vinh quang và cao quý.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo khoa học quốc gia “Bác Hồ với giáo dục, giáo dục với Bác Hồ”
Thưa các đồng chí, các chuyên gia, nhà khoa học và quí đại biểu!
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc ta, Người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, Người chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Người cha kính yêu của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Người đã để lại cho Đảng ta, Dân tộc ta, Nhân dân ta, các thế hệ hôm nay và mai sau một di sản vô cùng cao quý, đó là: Tư tưởng Hồ Chí Minh, Đạo đức, Phong cách Hồ Chí Minh và Thời đại Hồ Chí Minh.
Năm 1987, Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã ra
Nghị quyết số 24C/18.65 về kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nghị quyết khẳng định:
“những đóng góp quan trọng và nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật chính là sự kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc mong muốn được khẳng định bản sắc văn hóa của mình và mong muốn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc”.
Hệ thống tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo, phương pháp, phong cách giáo dục hiện đại mà đậm đà giá trị truyền thống của Người, thực sự là nền tảng, kim chỉ nam định hướng, dẫn dắt tiến trình xây dựng và phát triển nền giáo dục Việt Nam, nền văn hóa Việt Nam, đất nước và con người Việt Nam. Đó là triết lý
“Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Đó là tầm nhìn:
“một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”. Đó là phương châm:
“Nếu không chịu khó học thì không tiến bộ được. Không tiến bộ là thoái bộ”; “Muốn biết thì phải thi đua học. Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm”. Đó là phương pháp:
“Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân”. Đó là mục đích:
“Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại”.
Trong chặng đường 80 năm kể từ ngày thành lập Nước, nhất là gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước ta luôn nhận thức sâu sắc, kiên định quán triệt và thực hiện tư tưởng, phương pháp, phong cách Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo, với chủ trương xuyên suốt coi “
giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước”. Nền giáo dục và đào tạo Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong sự nghiệp nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước, để đất nước ta “
chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế như ngày nay”.
Thưa các đồng chí, các chuyên gia, nhà khoa học và quí đại biểu!
Bối cảnh thế giới đang trải qua những thay đổi mang tính thời đại, với sự chuyển biến nhanh, phức tạp chưa từng có theo hướng đa cực, đa trung tâm, đa tầng nấc và phân tuyến mạnh. Lực lượng sản xuất mới phát triển mạnh mẽ, đặt ra cả cơ hội và thách thức cho các quốc gia. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), chip bán dẫn, rô bốt, Internet vạn vật (IoT)… phát triển mạnh và tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực. Trong nước, cả hệ thống chính trị đang triển khai những quyết sách chiến lược mang tính cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế-xã hội để phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên trong năm 2025, tạo động lực tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030.
Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang thể hiện quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất, phát huy mọi động lực, nguồn lực, giải phóng mọi tiềm năng, khơi thông những điểm nghẽn, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam; thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030, trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Bối cảnh mới đòi hỏi phải có tư duy mới, tư duy hành động, nghị quyết hành động để tạo đột phá trong phát triển giáo dục và đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực trình độ cao trong các lĩnh vực, ngành nghề mới.
Dự thảo Văn kiện Đại hội XIV của Đảng xác định nhiệm vụ giải pháp: Đổi mới và hoàn thiện đồng bộ hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách về phát triển giáo dục và đào tạo; thực hiện đồng bộ chủ trương “
chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế”, với trọng tâm là nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.
Ngày 25/4/2025, Văn phòng Trung ương Đảng đã ban hành Thông báo số 177-TB/VPTW, Thông báo Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với đại diện Đảng ủy Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương về tình hình thực hiện các nghị quyết của Trung ương về giáo dục và đào tạo… Thông báo nêu rõ đồng ý nghiên cứu, xây dựng Đề án trình Bộ Chính trị ban hành nghị quyết về đột phá phát triển giáo dục và đào tạo (tương tự Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị). Nghị quyết này không thay thế các nghị quyết đã có, mà lựa chọn những vấn đề then chốt nhất, điểm nghẽn lớn hiện nay để tập trung chỉ đạo, tạo chuyển biến rõ ràng, cụ thể trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Trong bài viết với tiêu đề “
Học tập suốt đời”, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh:
“Chúng ta đang sống trong thời đại mà mà tri thức, kiến thức, hiểu biết sẽ giúp con người phát huy cao độ tiềm năng để tận dụng tốt các cơ hội, ứng phó hiệu quả với những thách thức để phát triển bền vững; cũng là thời đại mà khối lượng kiến thức của nhân loại tăng lên hằng ngày theo cấp số nhân. Chỉ khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, nhà nhà, người người thực hiện hiệu quả học tập suốt đời, xây dựng được đội ngũ cán bộ dám làm, dám nói, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh, chúng ta mới vững vàng tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng”.
Với bối cảnh mới, yêu cầu mới, chủ trương, đường lối và định hướng chỉ đạo trên đây; với ý nghĩa, tầm quan trọng của Hội thảo, tôi đề nghị chúng ta tập trung thảo luận một số nội dung trọng tâm sau:
Thứ nhất, phân tích, luận giải và làm sâu sắc hơn ý nghĩa, giá trị trường tồn của tư tưởng, phương pháp, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo, phát triển toàn diện con người, giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên.
Thứ hai, đúc rút những bài học quý từ tư tưởng, phương pháp, phong cách của Bác về giáo dục và đào tạo để lan tỏa, vận dụng vào công tác quản lý, dạy và học, nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam về đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thẩm mỹ, thể lực, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp. Phát huy tinh thần tự học, học tập suốt đời để mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, nhất là thế hệ trẻ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh vì lợi ích chung.
Thứ ba, hiến kế, đề xuất các giải pháp nhằm khơi thông những điểm nghẽn, giải quyết những vấn đề then chốt nhất trong giáo dục và đào tạo, để tư vấn, tham mưu Bộ Chính trị ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả nghị quyết về đột phá phát triển giáo dục và đào tạo, tạo nên cuộc cách mạng về phát triển giáo dục và đào tạo, đưa đất nước vững vàng bước vào kỷ nguyên mới.
Thưa các đồng chí, các chuyên gia, nhà khoa học và quí đại biểu!
Chúng ta tin tưởng và kỳ vọng, qua Hội thảo hôm nay, những giá trị trong di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo sẽ lan tỏa, chuyển hóa mạnh mẽ vào chủ trương, đường lối, chính sách và thực tiễn tổ chức, vận hành nền giáo dục Việt Nam, góp phần làm nên những thắng lợi mới của nền giáo dục và đào tạo; đóng góp vào sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao - nguồn lực, động lực quan trọng nhất để xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, vì một Việt Nam
“hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”, sánh vai với các cường quốc năm châu, như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ước vọng cháy bỏng của dân tộc.
Một lần nữa xin kính chúc các đồng chí, các chuyên gia, nhà khoa học và quí đại biểu sức khỏe, hạnh phúc, thành công.
Chúc Hội thảo của chúng ta thành công tốt đẹp.
Xin trân trọng cảm ơn!
Tin bài liên quan:
Phát biểu của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn: Ngành GDĐT tiếp tục thấm nhuần sâu sắc và vận dụng hiệu quả tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục
Đài Truyền hình Việt Nam VTV: Tiếp tục lan tỏa tư tưởng của Bác Hồ về giáo dục | Thời sự 19h
Truyền hình Hà Nội: Học tập suốt đời theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Giáo dục &thời đại: Giáo dục trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Báo điện tử Chính phủ: Chủ tịch Hồ Chí Minh - Nhà giáo dục vĩ đại
Báo Đại biểu Nhân dân: Hội thảo khoa học quốc gia “Bác Hồ với giáo dục, giáo dục với Bác Hồ”: Kim chỉ nam cho đổi mới toàn diện giáo dục