Tôi vô cùng vinh dự được Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng cho phép và được GS Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn tin tưởng giao nhiệm vụ đọc và giới thiệu cuốn sách
"Tầm nhìn từ lịch sử - Hoàn thiện các giá trị Việt Nam trong thời đại mới" cho cán bộ và sinh viên nhà trường nhân dịp kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và 4 năm Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam.
Tác phẩm mới của Thượng tướng TS. Nguyễn Văn Hưởng
Tôi nhớ cách đây mấy tuần, bên Vietnam Airlines có cho người đến hỏi tôi về ý định lấy chim Lạc trên mặt trống đồng Đông Sơn làm biểu tượng của Hàng không Việt Nam. Sau khi biết tôi hoàn toàn nhất trí, họ hỏi vậy chim Lạc là loài chim gì. Tôi cho đấy là chim thần lấy từ nguyên mẫu con cò, hình ảnh tiêu biểu của văn minh nông nghiệp trồng lúa nước của người Việt cổ và không quên đọc câu thơ của nhà thơ Tố Hữu viết cách đây sáu chục năm:
“Đôi cánh cò trắng vẫy mênh mông
Ôi Tổ quốc! Đơn sơ mà lộng lẫy!”
TS. Nguyễn Văn Anh, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử và Văn hoá của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN gửi cho tôi đọc trước cuốn sách "Tầm nhìn từ lịch sử - Hoàn thiện các giá trị Việt Nam trong thời đại mới" của Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, mà bìa sách vẽ hình chim Lạc đang bay trên không gian hình chữ “S” bao la, tôi thoáng nghĩ từ cội nguồn lịch sử đến giá trị căn cốt của dân tộc và cái bệ đỡ vạn năng cho đất nước cất cánh, giống như hình chim Lạc trên thân máy bay của Vietnam Airlines. Đọc mấy dòng in ở bìa sau cuốn sách, tôi tin dự báo này là có cơ sở: “Cuốn sách này không đi sâu vào nêu giải pháp mà muốn trình bày hệ thống quan điểm để phát triển đất nước. Trong triết lý của người châu Á, muốn bước dài thì chân phải vững, muốn leo dốc cao thì bậc phải chắc, cuốn sách này ra đời với mong muốn Việt Nam sớm hoàn thiện những giá trị của mình tiến vào thời đại mới. Những gì chưa đạt được phải đạt được. Những gì đã đạt được nhưng chưa đủ cũng phải đi sâu để hoàn thiện hơn. Có thế, Việt Nam mới tạo ra được nền móng, bệ phóng vững chắc để bay cao”.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưởng rất nổi tiếng là một nhà chiến lược về an ninh quốc gia. Gần một chục cuốn sách ông đã xuất bản trong khoảng 15 năm gần đây và 75 số tạp chí Phương Đông mà ông là Tổng Biên tập, dù đã mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác, nhưng người đọc vẫn nhận thấy tinh thần chủ đạo của các tác phẩm này không vượt ra ngoài các vấn đề của an ninh quốc gia và quốc tế. Đến "Tầm nhìn từ lịch sử - Hoàn thiện các giá trị Việt Nam trong thời đại mới" cuốn sách trở thành tổng kết sáng giá, một công trình sử học liên ngành (tức là sự kết quyện một cách tự nhiên, chặt chẽ, hài hòa giữa Địa lý học, Sử học, Văn hóa học, Triết học, Chính trị học, Kinh tế học và Quốc tế học). Đã lâu lắm rồi, tôi mới được đọc một công trình Sử học đạt đến tầm cao của trí tuệ, chiều sâu của tư duy, mà không khô khan, cứng nhắc, thậm chí còn nhẹ nhàng, duyên dáng như một tác phẩm văn học đích thực do Hội Nhà văn xuất bản.
Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng chia sẻ với cán bộ và sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn về tác phẩm “Tầm nhìn từ lịch sử” mới được ấn hành trước dịp 30/4/2025
Tác giả đã dành ra hẳn một chương chủ yếu bàn về triết lý âm dương và áp vào lý giải địa hình đa dạng của Việt Nam và đi đến một kết luận hết sức bất ngờ nhưng đầy sức thuyết phục:
“Sự hòa hợp đặc biệt của Việt Nam với lý luận về hai mặt đối lập tạo ra vũ trụ cho thấy đất nước đã mang sẵn trong lòng một giá trị phổ quát, sẵn sàng trở thành một trung tâm phát triển mới của khu vực và thế giới”. Khẳng định vai trò vô cùng đặc biệt của Địa lý, nhưng tác giả không bị sa vào thuyết Quyết định luận. Theo ông:
“Để hình thành đủ các yếu tố của một hình chữ S tròn trịa như vậy là một tiến trình lịch sử dựng nước gian khổ mà cha ông chúng ta đã hy sinh bao máu xương”. Đấy là câu chuyện “dẫn nhập” để tác giả đi vào nội dung chính của cuốn sách là tiến trình lịch sử văn hóa.
Câu chuyện ngạc nhiên thú vị là định hướng tiếp cận toàn bộ và toàn diện của lịch sử Việt Nam vừa mới được xác lập, trong khi không ít nhà Sử học chuyên nghiệp vẫn đang còn lúng túng để lý giải những vấn đề lịch sử cụ thể, thì cuốn sách này đã thật sự nhuần nhuyễn và rất thành công. Mới đây thôi, có người còn nhân danh “lập trường giai cấp” để quy tội Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam là bè lũ lật sử, thậm chí là phản động cố tình làm lu mờ lịch sử 4000 năm của dân tộc hay quy công thống nhất đất nước vào cho Nguyễn Ánh, công khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa - Trường Sa vào cho vua tôi nhà Nguyễn... Chúng tôi trân trọng và đánh giá rất cao luận giải khoa học đầy sức thuyết phục và tinh thần trách nhiệm của Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng về kỷ nguyên dựng nước và giữ nước đầu tiên của Việt Nam:
“Bước vào thời đại đồ Sắt trên phạm vi đất nước ta đã hình thành 3 trung tâm văn hóa lớn, dẫn đến sự ra đời của 3 nhà nước đầu tiên là Văn Lang - Âu Lạc ở phía Bắc; các nhà nước sa Huỳnh cổ - Lâm Ấp - Hoàn Vương - Chămpa ở miền Trung và Phù Nam ở miền Nam. Thời điểm ra đời của nhà nước Văn Lang vào khoảng 2700 cách ngày nay, sớm hơn so với Chămpa và Phù Nam vài ba thế kỷ. Tuy vậy, cả ba loại hình nhà nước đầu tiên trên đều được xếp chung vào thời đại dựng nước đầu tiên của Việt Nam”. Lần đầu tiên những người đọc Sử Việt Nam thấy hình ảnh của di chỉ Tiền Sa Huỳnh ở Bến Ngự Thổ Châu Phú Quốc hay di chỉ văn hóa Đông Sơn vừa mới phát hiện ở Cao Bằng đã được đưa vào chính sử. Về chủ quyền quốc gia lãnh thổ, tác giả khẳng định “
đất nước Việt Nam có được hình hài trọn vẹn như ngày hôm nay dưới triều đại phong kiến cuối cùng nhà Nguyễn” (tr.45). Và cũng dưới thời Nguyễn “
các nhà lãnh đạo quốc gia đã có nhiều nỗ lực quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền biển đảo”. Đánh giá như vậy là thật sự khách quan và công bằng, của một nhà khoa học, một nhà chiến lược quốc gia tâm sáng, tầm cao đích thực.
Tác giả đã trình bày, lý giải hết sức ngắn gọn và súc tích quá trình quy tụ và lan tỏa, định hình dòng chảy chủ đạo, những biến đổi, các bước thăng trầm, những mặt mạnh, mặt yếu, mặt thuận, mặt nghịch, cả những thành công và chưa thành công của Kỷ nguyên dựng nước và giữ nước, Kỷ nguyên độc lập dân tộc, Thời đại hội nhập và phát triển đất nước để đúc rút nên những giá trị Việt Nam, làm nền móng và làm bệ phóng cho đất nước vươn cao, bay xa.
Theo tác giả, Việt Nam đang có một nền tảng phát triển đủ mạnh, đang có những cơ sở và điều kiện hợp lý, chín muồi để xác lập một thời đại mới, thời đại dân giàu, nước mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Những phân tích về bối cảnh quốc tế ngày một đa cực và vô cùng phức tạp mặc nhiên là thách thức lớn đối với tất cả các nước, nhưng lại được tác giả xem như một cơ hội lớn, là điều kiện để Việt Nam bước vào thời đại vươn mình. Quá trình phát triển và hội nhập về kinh tế, sự ổn định về chính trị, kết hợp với bối cảnh quốc tế vô cùng thuận lợi, cùng với những giá trị thực sự của đất nước và con người Việt Nam đã được chắt lọc, tinh luyện suốt nghìn năm lịch sử chính là những điều kiện cần và đủ, có thế và lực vững chắc để Việt Nam bước vào thời đại vươn mình.
Hơn 400 giảng viên và sinh viên tham dự Toạ đàm giới thiệu sách
Mục đích của cuốn sách này chính là từ tầm nhìn lịch sử để có thể tìm mọi cách bổ sung các khiếm khuyết, hoàn thiện các giá trị, tạo dựng niềm tin và sức mạnh cho cả dân tộc bước sang thời đại lịch sử mới. Đó trước hết phải là hoàn thiện toàn bộ nền kinh tế một cách hệ thống, đồng bộ và quyết liệt. Tuy nhiên phát triển kinh tế sẽ không còn ý nghĩa thật sự nếu những lĩnh vực sát sườn với người dân như y tế và giáo dục không được cải thiện và nhiều những vực xã hội khác của đất nước không được hoàn thiện. Đối ngoại của đất nước tuy đã giành được nhiều thành tựu, nhưng sức mạnh của đối ngoại trong hội nhập rất cần được nâng cấp, các giá trị văn hóa cần được củng cố, hoàn thiện, lòng tin và niềm tin chiến lược của nhân dân cần phải được bồi bổ trở thành nguồn lực lớn nhất và quan trọng nhất đưa đất nước trở thành quốc gia hùng cường và thịnh vượng.
GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc và GS.TS. Hoàng Anh Tuấn tặng hoa chúc mừng Thượng tướng, TS. Nguyễn Văn Hưởng
Trong cuốn sách, tác giả cũng dành ra một ít trang để viết về Hà Nội, trái tim đất nước, nơi hội tụ nguyên khí quốc gia, nơi tinh hoa và khí phách của dân tộc được trao truyền và phát tiết. Theo tác giả:
“Đất nước phát triển hay không, xét về cả chính trị, văn hóa lẫn tâm linh, phải bắt đầu từ Hà Nội. Khôi phục lại các giá trị, các di sản và non nước của Hà Nội chính là tạo ra nhuệ khí, sinh khí cho đất nước lúc này”. “Hà Nội phải không chỉ là trung tâm chính trị mà còn thực sự là trung tâm tâm linh và văn hóa của Việt Nam trong thời hiện đại”. Hà Nội phải là đầu tầu, là bệ phóng cho cả đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Chỉ có chưa đến 5 trang chia sẻ tâm tư về Hà Nội, mà tôi có cảm giác như ông đã dẫn dắt người đọc đến tận cùng của trách nhiệm và tình yêu.
Tháng 9 năm 1945, trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của chế độ mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh kỳ vọng:
“Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Ngày nay sau tròn 80 năm, người đứng đầu Đảng và Nhà nước đã hiện thực hóa khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng quyết tâm xây dựng Việt Nam thành một quốc gia phát triển thịnh vượng, bền vững, có vị thế cao và vững chắc trên trường quốc tế; một thời đại mới - thời đại vươn mình của dân tộc Việt Nam đang bắt đầu. Trân trọng cám ơn Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng bằng tài năng và tâm huyết của một nhà chiến lược quốc gia đã cho chúng ta tầm nhìn từ lịch sử để góp phần hoàn thiện các giá trị quốc gia trong thời đại mới, để trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ngôi trường Anh hùng do Bác Hồ thành lập cách đây 80 năm có thêm cơ hội trưởng thành, để mỗi người chúng ta hiểu mình hơn và thấy trách nhiệm cao hơn, góp phần xây dựng đất nước tươi đẹp, dân tộc bước tới đài vinh quang sánh vai với các cường quốc năm châu.
Tin bài liên quan:
Trường ĐH KHXH&NV triển lãm ảnh và tọa đàm giới thiệu sách: Thông điệp về giá trị hòa bình của dân tộc