Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, một số địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp đối tác của ĐHQGHN. Về phía ĐHQGHN có Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân, Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn, lãnh đạo Văn phòng và các ban chức năng, lãnh đạo đơn vị phụ trách KH&CN, đại diện các nhóm nghiên cứu mạnh, phòng thí nghiệm/trung tâm nghiên cứu trọng điểm, Ban Điều hành CLB Nhà khoa học ĐHQGHN, các nhà khoa học có thành tích xuất sắc trong khoa học, công nghệ & đổi mới sáng tạo. Khẳng định vai trò tiên phong triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW ![]() Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn phát biểu khai mạc hội nghị
Phát biểu khai mạc hội nghị, PGS.TS Phạm Bảo Sơn - Phó Giám đốc ĐHQGHN nhấn mạnh, trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số, việc triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị cùng các chính sách mới của Quốc hội, Chính phủ là động lực then chốt để ĐHQGHN định vị vai trò trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn cho biết, hai định hướng lớn của ĐHQGHN trong việc thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW là đưa khoa học công nghệ vào giải quyết các bài toán thực tế của doanh nghiệp, địa phương, đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế xã hội; đồng thời các hoạt động khoa học công nghệ hướng đến làm chủ các công nghệ lõi và công nghệ chiến lược. Phó Giám đốc cũng đề cập đến sự đổi mới trong cách tiếp cận nghiên cứu khi ĐHQGHN thúc đẩy mô hình “đặt hàng” từ doanh nghiệp và địa phương, thay vì chỉ phát triển dựa trên ý tưởng nhà khoa học. Các chính sách như Nghị quyết 57 và Luật Khoa học Công nghệ đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, với các chỉ tiêu rõ ràng để đo lường hiệu quả như số lượng sản phẩm chuyển giao, tư vấn chính sách và giá trị kinh tế mang lại. ![]() Trưởng ban Khoa học & Đổi mới sáng tạo Trần Thị Thanh Tú trình bày báo cáo kết quả hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo năm 2024 của ĐHQGHN
Báo cáo kết quả hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo năm 2024 của ĐHQGHN, Trưởng ban Khoa học & Đổi mới sáng tạo Trần Thị Thanh Tú nhấn mạnh, nguồn nhân lực khoa học công nghệ là tài sản quý giá và là yếu tố quyết định thành công của ĐHQGHN trong thực hiện Nghị quyết 57 và các chính sách của Nhà nước. Với gần 50 nhóm nghiên cứu mạnh, ĐHQGHN liên tục nâng cao chất lượng công bố quốc tế, đồng thời hỗ trợ tài chính vượt trội cho các nhà khoa học xuất sắc, góp phần tăng gần 20% số lượng công bố trong năm qua.Ngay sau khi Nghị quyết 57-NQ/TW được ban hành, ĐHQGHN đã thành lập Ban chỉ đạo và ban hành Chương trình hành động số 1345/QĐ-ĐHQGHN, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trung tâm, gắn với chiến lược phát triển đại học trong 5 - 10 năm tới. Chương trình hành động được thiết kế dựa trên bốn trụ cột chính, bao gồm: Thúc đẩy sản phẩm khoa học gắn với công nghệ chiến lược; Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp khoa học công nghệ; Phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ chất lượng cao; Thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trong nghiên cứu và quản trị. Với các trụ cột này, ĐHQGHN đặt mục tiêu hình thành mô hình đại học đổi mới sáng tạo tiêu biểu, khẳng định vai trò tiên phong trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội. Giai đoạn 2024 - 2025, hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của ĐHQGHN đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Mô hình hợp tác “ba nhà” giữa Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp được chú trọng, với nhiều doanh nghiệp spin-off được thành lập và các dự án nghiên cứu phát triển hợp tác quốc tế hiệu quả. Về tài chính, kinh phí khoa học công nghệ năm 2025 được tăng gấp đôi, cùng nguồn vốn ngoài ngân sách tăng mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm nghiên cứu triển khai nhiệm vụ trọng điểm. ![]() Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân trao Quyết định bổ nhiệm Viện trưởng Viện Bán dẫn và Vật liệu tiên tiến cho PGS.TS Nguyễn Trần Thuật
Trong đó nổi bật là việc thành lập Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo - nơi quy tụ các viện nghiên cứu, doanh nghiệp KH&CN và nhóm chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước, hướng đến phát triển các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, công nghệ sinh học, y tế và nông nghiệp công nghệ cao. Mới đây, ĐHQGHN cũng đã thành lập Viện Bán dẫn và Vật liệu tiên tiến, Viện Công nghệ lượng tử, Viện nghiên cứu ứng dụng Trí tuệ nhân tạo trong Phát triển bền vững trực thuộc Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo. Trong đó, Viện Bán dẫn và Vật liệu tiên tiến là đơn vị chủ lực trong nghiên cứu, thiết kế, chế tạo chip, vi mạch và vật liệu bán dẫn, góp phần xây dựng năng lực lõi cho ngành công nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam. Viện Công nghệ Lượng tử là đầu mối nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các công nghệ lượng tử tiên tiến, tập trung vào các lĩnh vực trọng yếu như: máy tính lượng tử, truyền thông lượng tử, cảm biến lượng tửvà các vật liệu lượng tử mới, hướng đến xây dựng nền tảng khoa học cho kỷ nguyên AI. Viện Nghiên cứu ứng dụng Trí tuệ nhân tạo trong Phát triển bền vững: là đầu mối kết nối các nghiên cứu ứng dụng AI trong bảo vệ môi trường, kinh tế xanh, xã hội công bằng, đô thị thông minh và sức khỏe cộng đồng. Đặc biệt, vừa qua, Viện Bán dẫn và Vật liệu tiên tiến được Chính phủ giao chủ trì hai dự án trọng điểm quốc gia về thiết kế, chế tạo và đo kiểm vi mạch với tổng vốn đầu tư 1.600 tỷ đồng.Bên cạnh đó, ĐHQGHN tiếp tục ưu tiên đầu tư trọng điểm vào các lĩnh vực liên ngành, triển khai các chương trình khoa học công nghệ chiến lược gắn với thị trường và thực tiễn. ĐHQGHN đang triển khai 04 chương trình KH&CN trọng điểm trong các lĩnh vực then chốt như công nghệ vi mạch bán dẫn, dược liệu y học, sinh học tổng hợp và khoa học cơ bản, hướng đến giải quyết các bài toán lớn của đất nước và doanh nghiệp. ĐHQGHN cũng đã đề xuất danh mục 17 sản phẩm công nghệ chiến lược với tổng kinh phí ước tính khoảng 100 tỷ đồng, tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn như công nghệ chip và bán dẫn, công nghệ sinh học, vật liệu mới, trí tuệ nhân tạo và robot. Đây là những lĩnh vực được kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong khoa học và công nghệ quốc gia, góp phần xây dựng vị thế học thuật cũng như khả năng đóng góp thực tiễn của ĐHQGHN. Kết nối hiệu quả giữa Nhà trường – Nhà khoa học – Doanh nghiệp Tại hội nghị, ĐHQGHN đã công bố thỏa thuận/hợp đồng hợp tác triển khai nhiệm vụ khoa học, công nghệ & đổi mới sáng tạo với các doanh nghiệp đối tác: (1) hợp tác với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) đưa khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số vào việc phát triển doanh nghiệp; (2) hợp tác với Công ty cổ phần Tập đoàn MK nghiên cứu, phát triển các sản phẩm khoa học công nghệ trong lĩnh vực bán dẫn và vật liệu tiên tiến; (3) hợp tác với Công ty TNHH Tổ hợp y tế Phương Đông nghiên cứu và phát triển các liệu pháp tế bào miễn dịch, đặc biệt là trong lĩnh vực điều trị ung thư; (4) hợp tác với Công ty cổ phần Tập đoàn Thaibinh Seed nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ đánh giá kiểu hình thông lượng cao trong chọn tạo giống lúa; (5) hợp tác với Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ Vận tải Phiệt Học triển khai chuyển đổi số toàn diện, nâng cao hiệu quả quản lý, sản xuất và dịch vụ, đồng thời tối ưu hóa quy trình hoạt động. ![]() Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân và Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam Nguyễn Văn Thân trao biên bản ghi nhớ hợp tác đưa khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số vào việc phát triển doanh nghiệp
Các thỏa thuận/hợp đồng hợp tác được trao không chỉ là minh chứng cho sự kết nối hiệu quả giữa nhà trường, nhà khoa học và doanh nghiệp mà còn mở ra những cơ hội triển khai nhiệm vụ khoa học & công nghệ gắn với thực tiễn, phục vụ thiết thực cho sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế đất nước. Những thỏa thuận này góp phần thúc đẩy cơ chế hợp tác linh hoạt, thiết thực, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ, hình thành và vận hành hiệu quả các mô hình doanh nghiệp khoa học công nghệ (spin-off) trong lòng đại học.
![]() Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Nguyễn Văn Thân bày tỏ mong muốn hợp tác sâu rộng với đội ngũ nhà khoa học của ĐHQGHN
Nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp trong việc áp dụng thực tiễn các kết quả nghiên cứu, ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam bày tỏ mong muốn hợp tác sâu rộng với đội ngũ nhà khoa học của ĐHQGHN, đồng thời cam kết sẽ tích cực vận động các doanh nghiệp SME và hộ kinh doanh chủ động hợp tác, đặt hàng nghiên cứu. Để thúc đẩy hiệu quả hơn nữa, ông đề xuất phương thức hợp tác mới, trong đó nhà trường, nhà khoa học cần chủ động “marketing” và tìm hiểu nhu cầu thực tế của doanh nghiệp trước khi tiến hành nghiên cứu, thay vì cách làm truyền thống là nghiên cứu xong rồi mới giới thiệu sản phẩm. Về vấn đề kinh phí, ông Nguyễn Văn Thân khẳng định doanh nghiệp phải sẵn sàng trả tiền cho các đề tài nghiên cứu, coi đây là trách nhiệm chung để thúc đẩy hợp tác bền vững. Ngoài ra, ông cũng điểm qua một số lĩnh vực tiềm năng như ngân hàng số – đang được Chính phủ cho phép triển khai rộng rãi, nông nghiệp công nghệ cao với các doanh nghiệp đầu tư quy mô lớn, cùng các chương trình hỗ trợ tài chính dành cho sinh viên, học sinh thông qua sự hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường.
![]() Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn MK Nguyễn Trọng Khang cam kết hỗ trợ các nhà khoa học phát triển ý tưởng công nghệ mới, đồng thời đầu tư các quỹ nghiên cứu để hiện thực hóa các dự án chiến lược
Cùng chung quan điểm về tầm quan trọng của sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp – nhà trường – nhà khoa học trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế xã hội, ông Nguyễn Trọng Khang, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn MK chia sẻ, MK Group hợp tác với các tổ chức nghiên cứu khoa học & công nghệ trong phát triển các lĩnh vực công nghệ cốt lõi như an ninh bảo mật, trí tuệ nhân tạo, công nghiệp quốc phòng. Ông cam kết hỗ trợ các nhà khoa học phát triển ý tưởng công nghệ mới, đồng thời đầu tư các quỹ nghiên cứu để hiện thực hóa các dự án chiến lược, góp phần tạo ra bước đột phá công nghệ “thay đổi cuộc chơi”.Góp phần kiến tạo và dẫn dắt hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia Tại hội nghị, lãnh đạo ĐHQGHN đã trao Giải thưởng ĐHQGHN về Khoa học & Công nghệ năm 2024 cho nhóm tác giả thuộc Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học với công trình “Nghiên cứu xử lý đồng thời anoni và COD trong nước thải bằng quá trình Feammox”. Đây là Giải thưởng ĐHQGHN nhằm khích lệ, tôn vinh những công trình hoặc cụm công trình KH&CN được tổ chức 3 năm/1 lần. ![]() Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân trao Giải thưởng ĐHQGHN về Khoa học & Công nghệ năm 2024 cho PGS.TS Đinh Thúy Hằng - đại diện nhóm tác giả của Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học
Đại diện nhóm tác giả nhận giải, PGS.TS Đinh Thúy Hằng chia sẻ, ý tưởng của nhóm nghiên cứu tuy mới mẻ và có nhiều rủi ro, nhưng đã thành công nhờ sự ủng hộ và đồng hành từ ĐHQGHN, kết quả là nhóm đã công bố bài báo quốc tế thuộc nhóm 5% hàng đầu, đăng ký bằng sáng chế và có nghiên cứu sinh bảo vệ luận án thành công. PGS.TS Đinh Thúy Hằng bày tỏ, với thế mạnh về công nghệ sinh học, nhóm nghiên cứu mong muốn góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng, phát triển vật nuôi, cây trồng và bảo vệ môi trường. Nhân dịp này, bà cũng bày tỏ nguyện vọng được tiếp nhận các đơn đặt hàng từ doanh nghiệp nhằm tăng cường hợp tác ứng dụng thực tiễn. Bà không quên gửi lời cảm ơn tới các đồng nghiệp trẻ đã luôn đồng hành, tin tưởng và ủng hộ nhóm bất chấp những thách thức và rủi ro trong quá trình nghiên cứu.
![]() Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân cho biết, ĐHQGHN đang đầu tư trọng điểm cho khoa học cơ bản, nghiên cứu tinh hoa, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho nhà khoa học phát huy tối đa năng lực
Phát biểu kết luận hội nghị, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân khẳng định, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia, là bước đi chiến lược để Việt Nam tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức trong kỷ nguyên số. Là trung tâm đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao tri thức đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, trình độ cao, ĐHQGHN đóng vai trò dẫn dắt, nòng cốt trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động theo Nghị quyết 03 của Chính phủ có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển của ĐHQGHN nói riêng và nền giáo dục đại học Việt Nam nói chung. Giám đốc Lê Quân cho biết thêm, ĐHQGHN đang đầu tư trọng điểm cho khoa học cơ bản, nghiên cứu tinh hoa, đổi mới cơ chế tổ chức, tăng cường tự chủ cho các trường thành viên và nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt trong các ngành STEM; đồng thời thực hiện cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà khoa học phát huy tối đa năng lực. Giám đốc ĐHQGHN nhấn mạnh vai trò thiết yếu của mô hình hợp tác “ba nhà” – Nhà nước, Nhà trường và Doanh nghiệp – trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Ông đề xuất xây dựng khu vực dành riêng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tại khu dự án Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo tại Hòa Lạc để thuận lợi nghiên cứu, đặt hàng và hợp tác. Chia sẻ về chiến lược phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ xuất sắc đến năm 2030, Giám đốc Lê Quân cho biết, ĐHQGHN đặt ra mục tiêu xây dựng đội ngũ 5.000 nhà khoa học, trong đó có 500 nhà khoa học xuất sắc với các chế độ đãi ngộ đặc biệt. Do đó, ĐHQGHN tăng cường hợp tác quốc tế với các đại học hàng đầu thế giới nhằm đào tạo và thu hút nhân tài, đồng thời cải thiện môi trường làm việc để giữ chân cán bộ khoa học trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Giám đốc ĐHQGHN bày tỏ cam kết mạnh mẽ của ĐHQGHN trong việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình hành động theo Nghị quyết 57-NQ/TW, trong đó lấy đổi mới sáng tạo làm trọng tâm, kết nối hiệu quả ba Nhà để thúc đẩy chuyển giao tri thức, sản phẩm khoa học và công nghệ vào thực tiễn. Đây không chỉ là nhiệm vụ chiến lược của ĐHQGHN mà còn là trách nhiệm của một đại học quốc gia tiên phong, đồng hành cùng đất nước trong việc hiện thực hóa các mục tiêu lớn về phát triển khoa học và đổi mới sáng tạo trong thời đại số. Tại hội nghị, ĐHQGHN đã công bố Quyết định thành lập Viện Bán dẫn và Vật liệu tiên tiến, Viện Công nghệ lượng tử, Viện nghiên cứu ứng dụng Trí tuệ nhân tạo trong Phát triển bền vững trực thuộc Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo. Các viện nghiên cứu này được kỳ vọng sẽ kiến tạo hệ sinh thái liên kết chặt chẽ giữa nghiên cứu – đào tạo – chuyển giao công nghệ - đổi mới sáng tạo. ![]() Cũng tại hội nghị, lãnh đạo ĐHQGHN đã trao Bằng khen của Giám đốc ĐHQGHN cho gần 150 nhà khoa học có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học năm 2024. Đồng thời, Hội nghị cũng ra mắt các hội đồng chuyên môn mới trong hệ thống quản lý khoa học công nghệ của ĐHQGHN. Việc kiện toàn Hội đồng chuyên môn nhiệm kỳ này được thực hiện theo định hướng tăng cường tính học thuật và phản biện độc lập trong tư vấn, đánh giá các nhiệm vụ khoa học, công nghệ & đổi mới sáng tạo của ĐHQGHN. ![]() Khu vực trưng bày poster giới thiệu tiềm lực khoa học & công nghệ của ĐHQGHN
![]() Trao hợp đồng đặt hàng nghiên cứu KH&CN giữa Công ty cổ phần Tập đoàn MK và Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo nghiên cứu, phát triển các sản phẩm khoa học công nghệ trong lĩnh vực bán dẫn và vật liệu tiên tiến
![]() Trao hợp đồng đặt hàng nghiên cứu KH&CN giữa Công ty cổ phần Tập đoàn Thaibinh Seed và Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo ứng dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ đánh giá kiểu hình thông lượng cao trong chọn tạo giống lúa
![]() Trao hợp đồng đặt hàng nghiên cứu KH&CN giữa Công ty TNHH Tổ hợp y tế Phương Đông và Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo nghiên cứu và phát triển các liệu pháp tế bào miễn dịch, đặc biệt là trong lĩnh vực điều trị ung thư
![]() Trao hợp đồng đặt hàng nghiên cứu KH&CN giữa Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ Vận tải Phiệt Học và Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo triển khai chuyển đổi số toàn diện, nâng cao hiệu quả quản lý, sản xuất và dịch vụ, đồng thời tối ưu hóa quy trình hoạt động
![]() ![]() ![]() Gần 150 nhà khoa học xuất sắc năm 2024 được tặng Bằng khen của Giám đốc ĐHQGHN vì những thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế
![]() Tân Chủ tịch các hội đồng chuyên môn ra mắt
![]() |
Tác giả: VNU Media
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn