Diễn đàn do Quỹ Giao lưu quốc tế Hàn Quốc (Korea Foundation - KF) và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp tổ chức.
Diễn đàn đã nhận được sự quan tâm và tham dự của đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ban lãnh đạo Quỹ Giao lưu quốc tế Hàn Quốc. Diễn đàn thu hút sự tham dự của gần 80 nhà khoa học, giảng viên đến từ Đại học Nanyang (Singapore), Đại học Quốc gia Lào, Đại học Ngoại ngữ Cyber Hàn Quốc, Trường đại học Quốc tế (Đại học Kyung Hee, Hàn Quốc), nhiều trường đại học có đào tạo ngành Hàn Quốc học, các doanh nghiệp tại Việt Nam…
Phát biểu khai mạc hội thảo, ngài Kim Ki-hwan - Chủ tịch Quỹ Giao lưu quốc tế Hàn Quốc nhấn mạnh, nếu trước đây ngành Hàn Quốc học vốn tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực giới hạn như khoa học xã hội và tiếng Hàn Quốc, thì gần đây đã mở rộng phạm vi sang các lĩnh vực STEM, truyền thông và khoa học công nghệ do sự gia tăng nghiên cứu liên ngành.
Ngài Kim Ki-hwan bày tỏ hy vọng diễn đàn lần này sẽ là cầu nối, kiến tạo nên một mạng lưới hợp tác chặt chẽ hơn giữa các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và cơ quan chính phủ của hai nước Việt Nam – Hàn Quốc trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Ngài Kim Ki-hwan - Chủ tịch Quỹ Giao lưu quốc tế Hàn Quốc KF phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu tại diễn đàn, GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, sau hơn 30 năm hình thành và phát triển, ngành Hàn Quốc học tại Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng tự hào. Đó là việc đào tạo nên hàng chục thế hệ sinh viên, đóng góp hàng trăm công trình nghiên cứu về Hàn Quốc, và cung cấp nguồn nhân lực quan trọng, góp phần thúc đẩy giao lưu, hợp tác và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Hàn Quốc. Tại Đại học Quốc gia Hà Nội và cụ thể là tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hàn Quốc học đang là ngành có vị thế chuyên môn ưu tú trong cộng đồng Hàn Quốc học cả nước.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội
Ông Phạm Quang Hưng - Cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá, hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu Hàn Quốc học đã trở thành cầu nối phát triển mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai quốc gia.
Với sự tham dự của đông đảo các nhà khoa học hàng đầu tại Hàn Quốc, các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp tại Việt Nam, diễn đàn được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều sáng kiến mới trong việc phát triển hoạt động hợp tác đào tạo và nghiên cứu Hàn Quốc học.
Ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo
Diễn đàn được chia làm hai phiên, gồm phiên 1 với chủ đề “Mở rộng Hàn Quốc học tại Việt Nam và định hướng tầm nhìn mới”; phiên 2 thảo luận về “Tăng cường quan hệ đối tác giữa Doanh nghiệp - Chính phủ - Trường học trong đào tạo”. Tại đây, diễn đàn đã lắng nghe nhiều tham luận, chia sẻ kinh nghiệm và những đề xuất sáng tạo từ các nhà khoa học, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Hàn Quốc học cũng như khoa học công nghệ đến từ Việt Nam, Hàn Quốc và các nước trong khu vực.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, các nhà quản lý đã trao đổi và đưa ra các giải pháp để ngành Hàn Quốc học hiện đại thích ứng với các xu hướng học thuật mới và thực tế toàn cầu, đồng thời khám phá các phương án nâng cao sức mạnh tổng hợp cho sự phát triển của Hàn Quốc học tại Việt Nam, từ đó mở rộng định hướng nghiên cứu Hàn Quốc học.
Theo các nhà khoa học, Việt Nam là một quốc gia tăng trưởng nhanh chóng trong kỷ nguyên Cách mạng Công nghiệp 4.0 và đang đạt được những tiến bộ trong đổi mới và phát triển công nghệ ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Việc bồi dưỡng nguồn nhân lực là vô cùng quan trọng, đặc biệt trong kỷ nguyên kỹ thuật số và công nghệ thay đổi nhanh chóng. Trong bối cảnh đó, việc mở rộng phạm vi nghiên cứu và đào tạo Hàn Quốc học tại Việt Nam là một yêu cầu tất yếu. Để đạt được mục tiêu này, cần có sự chung tay của tất cả các bên liên quan, từ các nhà khoa học, các chuyên gia, các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp đến các cơ quan chính phủ.

GS.TS Lại Quốc Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu tại diễn đàn
TS. Lưu Tuấn Anh - Trưởng bộ môn Hàn Quốc học, khoa Đông phương học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN; Chủ tịch Hội Nghiên cứu khoa học về Hàn Quốc tại Việt Nam trao đổi giải pháp nhằm đổi mới phương thức đào tạo ngành Hàn Quốc học tại Việt Nam
Các vị đại biểu, các nhà khoa học chụp ảnh lưu niệm tại diễn đàn Hàn Quốc học tại Hà Nội 2025
Diễn đàn Hàn Quốc học tại Hà Nội 2025 đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần định hướng cho sự phát triển của ngành Hàn Quốc học tại Việt Nam trong giai đoạn mới.
Các bên liên quan bày tỏ mong muốn đây sẽ là một bước khởi đầu để xây dựng mạng lưới hợp tác giữa các nhà nghiên cứu, các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp và các cơ quan chính phủ, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của Hàn Quốc học tại Việt Nam.